« Quay lại

Sẽ có zeolite cho những vuông tôm

TT - Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã trao giải thưởng tài năng trẻ xuất sắc nhất trong nghiên cứu khoa học cho nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Hồng và Hảo trong phòng thí nghiệm - Ảnh: K.Hưng

Đó là các bạn Nguyễn Khánh Diệu Hồng (thành viên nữ duy nhất), Phạm Minh Hảo, Nguyễn Xuân Phi - đều là sinh viên khoa Công nghệ hóa học.

Công trình khoa học đưa các bạn đến với giải thưởng có tên “Nghiên cứu và chọn lọc các nguồn kaolinite trong nước để tổng hợp vật liệu chứa zeolite, đồng thời xây dựng qui trình công nghệ bảo vệ môi trường thủy sản ở VN”.


Những người thông minh, say mê khoa học


Đến Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chúng tôi thêm thán phục cô bạn gái duy nhất của nhóm khi thấy Diệu Hồng là một trong số 19 sinh viên xuất sắc nhất khóa học 2002-2003 của trường được dán ảnh biểu dương trên bảng tin.


Thầy Tạ Ngọc Đôn - Phó khoa Công nghệ hóa học - dành những lời tốt đẹp nhất về những học trò vừa đoạt giải thưởng: “Các bạn ấy thật sự thông minh, nhanh nhẹn và say mê nghiên cứu khoa học”.


Lý do khiến cả ba được khoa chọn thực hiện đề tài nghiên cứu cũng xuất phát từ kết quả học tập xuất sắc trong suốt những năm học trước đó. Mục đích công trình là nghiên cứu biến kaolinite (cao lanh) thành zeolite có tác dụng làm sạch môi trường nuôi trồng thủy sản, cụ thể là nuôi tôm. “Nói không ngoa, không có zeolite thì không thể có nghề nuôi tôm công nghiệp” - thầy Đôn nói.


“Đây là đề tài nghiên cứu có tính kế thừa - thầy Đôn giải thích thêm - từ các thầy đi trước đến chúng tôi rồi đến các em Hồng, Hảo, Phi”. Mặc dù đi sau nhưng những đóng góp của ba bạn trẻ lại được thầy Đôn đánh giá rất cao: “Các em đã có những đề xuất rất quan trọng để đơn giản hóa qui trình công nghệ. Vì qui trình được đơn giản hóa nên tốn ít nhân công hơn, ít chi phí hơn và năng suất cao hơn”.


Vượt qua khó khăn


“Khó khăn ban đầu của bọn mình là thời gian và kiến thức” - Hồng nói. Hảo bổ sung thêm: “Làm lớp trưởng bận rộn là một nhẽ. Đằng này hằng ngày bọn mình phải lên lớp, làm thí nghiệm. Vì vậy, để có thời gian tham gia nghiên cứu khoa học thì không cách nào khác là phải hi sinh ngày nghỉ hoặc tranh thủ buổi tối”.


Trong những ngày đầu tiên, nhóm ngồi lì ở thư viện tìm và đọc tài liệu. Chỉ đến khi nạp đủ kiến thức họ mới bước chân vào phòng thí nghiệm. Thầy phụ trách thí nghiệm của khoa tự hào: “Phòng thí nghiệm của khoa này là nơi sáng đèn ban đêm nhiều nhất. Trước đây, hễ làm tối lần nào là phải báo cáo, xin phép lần đó. Nhưng rồi các em làm nhiều quá thành thử chỉ xin phép một lần cho cả năm học”.


Về kiến thức, khó khăn đặt ra đối với nhóm là sự lệch “pha” giữa kiến thức được học và những kiến thức cụ thể áp dụng vào việc nghiên cứu. Hồng và Hảo học về ứng dụng zeolite làm chất xúc tác trong công nghiệp hóa dầu, còn đề tài nghiên cứu lại yêu cầu tổng hợp zeolite có khả năng hấp phụ các chất độc trong môi trường thủy sản.


Đương nhiên, khác biệt ấy không hoàn toàn lớn nhưng cũng là lý do để sự thất bại đeo đuổi. Khoảng 1.500 mẫu cao lanh đầu tiên đưa về tổng hợp không cho ra zeolite mà lại cứ cho ra một vật liệu chẳng giống đất, chẳng giống cát.


Một phần của sự thất bại này còn do việc nhóm quyết định nghiên cứu theo hướng tổng hợp zeolite không cần điều kiện áp suất, một điều mà ngay cả các nhà khoa học trên thế giới cũng chưa thực hiện dù đã manh nha ý tưởng. Thế nên sau hàng loạt thất bại của nhóm, nhiều người đã tỏ ý nghi ngờ sự thành công và khuyên nhóm nên chuyển hướng nghiên cứu.


Nhưng niềm tin vẫn còn ở trong mỗi người, đặc biệt là ở thầy Yêm, người đã đưa ra ý tưởng để nhóm thực hiện. Cho đến một ngày, cả nhóm cùng ồ lên vui sướng khi những sản phẩm zeolite đầu tiên ra đời.


Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất đối với những người đã tham gia công trình nghiên cứu là việc kết quả của công trình được ứng dụng vào cuộc sống. Hồng và Hảo khoe vừa từ Quảng Bình trở về sau chuyến thị sát việc lắp đặt dây chuyền tổng hợp zeolite từ cao lanh tại một nhà máy ở đây.


Dây chuyền này có thể sản xuất 3.000 tấn zeolite mỗi năm và sẽ đi vào hoạt động trong tháng năm tới. Một dây chuyền tương tự cũng sẽ được lắp đặt tại Cần Thơ và dự kiến sẽ hoạt động từ tháng chín năm nay.


Zeolite là loại vật liệu có nhiều ứng dụng. Chỉ tính riêng trong ngành nuôi tôm, năm 2003 ba tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau đã cần đến 190.000 tấn zeolite cho 240ha mặt nước nuôi tôm.


Trên thế giới, zeolite được tổng hợp từ hóa chất tinh khiết. Công nghệ này rất phức tạp và giá thành sản phẩm rất cao nên VN không thể áp dụng được.


Từ những lý do đó, GS Hoàng Trọng Yêm, một trong năm nhà giáo nhân dân của ĐH Bách khoa Hà Nội, đã có ý tưởng tổng hợp zeolite từ nguồn cao lanh sẵn có trong nước.


Ý tưởng này sau đó được thầy và trò khoa công nghệ hóa học thực hiện.


KHIẾT HƯNG

Tag: bột cao lanh, bot cao lanh, bột kaolin, bot kaolin, hạt cao lanh, hat cao lanh, kaolin hạt, kaolin hat, hạt kaolin, hat kaolin, cao lanh dùng trong phân bón, cao lanh dung trong phan bon

Tin nổi bật