« Quay lại

Bổ sung mỏ cao lanh-felspat tỉnh Phú Thọ vào quy hoạch

(Xây dựng) - Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung các mỏ cao lanh-felspat tại xã Giáp Lai, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Trước đó, Bộ Xây dựng nhận được Văn bản số 12118/VPCP-CN ngày 13/12/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc bổ sung mỏ cao lanh-felspat tỉnh Phú Thọ vào quy hoạch và bổ sung vào danh mục không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đề nghị của UBND tỉnh Phú Thọ tại Văn bản số 5356/UBND-KTN ngày 23/11/2018.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ tại Văn bản số 5356/UBND-KTN ngày 23/11/2018 và các tài liệu gửi kèm theo, hiện trạng khu vực mỏ khoáng sản đề xuất bổ sung vào quy hoạch và tình hình thực hiện dự án nhà máy chế biến cao lanh-felspat như sau:


Về hiện trạng các khu vực mỏ cao lanh-felspat: Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ và các tài liệu gửi kèm theo thì khu vực mỏ cao lanh-felspat đề nghị bổ sung vào quy hoạch có diện tích 53,6ha thuộc xã Giáp Lai và xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ (trong đó xã Giáp Lai có diện tích 23,8ha, xã Tất Thắng có diện tích 29,8ha). Theo báo cáo tìm kiếm tỉ mỉ mỏ cao lanh-felspat Thạch Khoán đã thực hiện thì tài nguyên dự báo cấp 333+334a khoảng 800 nghìn tấn.


Hiện trạng khu vực này chủ yếu trồng bạch đàn, keo và chè, không thuộc đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất an ninh quốc phòng và không thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.


Khu vực mỏ cao lanh-felspat nêu trên chưa có trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2012.


Về dự án nhà máy chế biến cao lanh-felspat: UBND tỉnh Phú Thọ đã cấp chứng nhận đăng ký đầu tư nhà máy chế biến tinh quặng cao lanh-felspat Cao Lâm Phú Thọ (Giấy chứng nhận số 25/2018/CNĐKĐT ngày 16/3/2018) cho Cty TNHH Cao Lâm Phú Phọ có địa điểm đầu tư tại xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ; công suất 65.000 tấn/năm (bao gồm 40.000 tấn cao lanh/năm và 25.000 tấn felspat/năm) với dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến nhằm chế biến sâu khoáng sản, góp phần nâng cao giá trị tài nguyên khoáng sản, từng bước hình thành thương hiệu nguyên liệu cao lanh của tỉnh phục vụ sản xuất các sản phẩm gốm sứ cao cấp, thủy tinh, sơn, gạch cao cấp... Hiện tại dự án đang tiến hành đầu tư xây dựng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2019.


Để tạo điều kiện cho Cty TNHH Cao Lâm Phú Thọ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh quặng kaolin-felspat, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị bổ sung mỏ cao lanh-fenspat tại các xã Giáp Lai, Tất Thắng, huyện Thanh Sơn với diện tích 53,6ha vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời bổ sung mỏ kaolin-felspat nêu trên vào danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.


Để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, theo quy định của pháp luật về khoáng sản, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 28/BXD-VLXD ngày 07/01/2019 lấy ý của các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đề nghị bổ sung mỏ cao lanh-felspat tỉnh Phú Thọ vào quy hoạch và bổ sung vào danh mục không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đề nghị của UBND tỉnh Phú Thọ tại Văn bản số 5356/UBND-KTN nêu trên.


Ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 1000/BTNMT-ĐCKS ngày 8/3/2019: “Khu vực quặng cao lanh-felspat tại xã Giáp Lai và xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ có tổng diện tích 53,6ha (diện tích thuộc xã Giáp Lai là 23,8ha, diện tích thuộc xã Tất Thắng là 29,8ha có tọa độ xác định theo Công văn số 5356/UBND-KTN ngày 23/11/2018 của UBND tỉnh Phú Thọ) đã được Nhà nước đầu tư tìm kiếm tỉ mỉ tỷ lệ 1/5.000 thuộc báo cáo “Tìm kiếm mỏ kaolin-felspat Thạch Khoán, Vĩnh Phú”.


Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ tại Công văn số 5356/UBND-KTN nêu trên, kết quả khảo sát sơ bộ và thu thập tài liệu cho thấy tài nguyên dự báo cấp 333+334a khoảng 800 nghìn tấn, đồng thời xác định khu vực đề nghị bổ sung quy hoạch không thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.


Từ nội dung nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất bổ sung khu vực cao lanh-felspat tại xã Giáp Lai và xã Tất Thắng nêu trên vào qquy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020…”.


Ý kiến của Bộ Quốc phòng tại Văn bản số 1251/BQP-TM ngày 31/01/2019: “Thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Phú Thọ về việc bổ sung mỏ cao lanh-felspat tại xã Giáp Lai và xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020 theo ranh giới và tọa độ kèm theo.


Để kết hợp chặt chẽ 2 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo chủ đầu tư dự án: Quá trình triển khai thăm dò, khai thác cao lanh-felspat phải thực hiện theo đúng diện tích, phạm vi, ranh giới, mốc giới trên, không hoạt động sang các khu vực lân cận, phải bảo đảm về an toàn, môi trường, môi sinh trên địa bàn và không liên doanh liên kết với nước ngoài (kể cả Việt kiều); Khi thay đổi về quy mô, diện tích sử dụng đất phải có ý kiến thỏa thuận của cơ quan quân sự địa phương, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 và Bộ Quốc phòng; Phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 2 để giải quyết các vấn đề có liên quan về quốc phòng, an ninh trong khu vực, không làm ảnh hưởng đến quy hoạch bố trí đóng quân của các đơn vị quân đội, công trình quốc phòng, quy hoạch quốc phòng và nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn…”.


Ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Văn bản số 412/BVHTTDl-KHTC ngày 28/01/2019: “Về vị trí các mỏ cao lanh-felspat tại xã Giáp Lai, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ (diện tích 53,6ha; tọa độ chi tiết theo Công văn số 5356/UBND-KTN ngày 23/11/2018 của UBND tỉnh Phú Thọ) được UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị bổ sung vào quy hoạch: Các khu vực này không ảnh hưởng đến khu vực bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa đã xếp hạng và cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái các di tích khác trên địa bàn các xã Giáp Lai, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn; không nằm trong quy hoạch khu, điểm du lịch đã được phê duyệt của tỉnh Phú Thọ; không ảnh hưởng đến các công trình văn hóa, thể dục thể thao đã có và đã được xác định theo quy hoạch văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn.


Nếu mỏ đá trên được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch, trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, đề nghị lưu ý nếu có phát hiện các di chỉ khảo cổ, di vật hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan của các di tích, công trình văn hóa, thể dục thể thao và khu du lịch trên địa bàn, cần chủ động báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ để có biện pháp giải quyết, xử lý theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa, về du lịch…”.


Ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 486/BNN-KH ngày 22/01/2019: “Việc bổ sung mỏ cao lanh-felspat tỉnh Phú Thọ vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản là vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020 cần đảm bảo tuân thủ theo quy định của Luật Khoáng sản.


Theo Văn bản số 5356/UBND-KTN ngày 23/11/2018 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc đề nghị bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản là vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020, khu vực khai thác có diện tích 53,6ha, chủ yếu trồng bạch đàn, keo và chè, không thuộc đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; không thuộc khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản của tỉnh.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị trong trường hợp diện tích nêu trên có rừng tự nhiên, phải thực hiện theo Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: Không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác trên phạm vi cả nước (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cần thiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định)…”.


Đối với việc bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2020: Theo quy định tại Điều 14 của Luật Khoáng sản và Khoản 6, Điều 8 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018: “Việc điều chỉnh quy hoạch khoáng sản trong trường hợp có phát hiện mới về khoáng sản làm ảnh hưởng đến tính chất, nội dung quy hoạch” và “cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch khoáng sản quyết định điều chỉnh quy hoạch đã phê duyệt”.


Các khu vực mỏ cao lanh-felspat tại xã Giáp Lai và xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ chưa nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2020. Việc xem xét điều chỉnh, bổ sung khu vực khoáng sản này vào quy hoạch thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.


Đối với việc bổ sung vào danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và cấp phép hoạt động khoáng sản: Việc bổ sung các khu vực khoáng sản nêu trên vào danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để cấp phép hoạt động khoáng sản cho doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại khoản 3, Điều 78 của Luật khoáng sản: “Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật này”.


Đối với khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản và việc chuyển đổi rừng tự nhiên: Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 40 của Luật Khoáng sản: “Giấy phép thăm dò khoáng sản chỉ được cấp ở khu vực không có tổ chức, cá nhân đang thăm dò hoặc khai thác khoáng sản hợp pháp và không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản…”.


Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ, các khu vực mỏ cao lanh- felspat tại xã Giáp Lai và xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đề xuất bổ sung vào quy hoạch là đất rừng sản xuất (chủ yếu trồng bạch đàn, keo và chè), không thuộc đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, không thuộc đối tượng rừng tự nhiên theo nội dung Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; không nằm trong khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Do vậy, các khu vực khoáng sản cao lanh-felspat nêu trên đủ điều kiện bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2020.


Trên cơ sở ý kiến của các bộ, đề nghị của UBND tỉnh Phú Thọ và căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, Bộ Xây dựng báo cáo và kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung khu vực mỏ cao lanh-felspat tại xã Giáp Lai và xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ (tổng diện tích 53,6ha) vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2020 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2012) để quản lý và cấp phép hoạt động khoáng sản làm nguồn nguyên liệu phục vụ cho dự án nhà máy chế biến cao lanh-felspat của doanh nghiệp theo quy định.


Đức Cương

Tin nổi bật