« Quay lại

Đổi mới công nghệ, hướng tới chế biến sâu tại các mỏ cao lanh

(Chinhphu.vn) - Trước tình hình phải nhập khẩu lượng lớn cao lanh cao cấp để làm giấy, đồ gốm sứ, chất dẻo, sơn... Viện nghiên cứu sành sứ thuỷ tinh công nghiệp Hà Nội đã công bố Dự án “Hoàn thiện công nghệ thiết bị chế biến sâu cao lanh Lâm Đồng làm nguyên liệu dùng trong công nghiệp sản xuất gốm sứ và sơn”.

Cao lanh được khai thác ở Việt Nam mới chỉ chế biến thô. Ảnh: VGP/Phan Trang

Chu Văn Giáp, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu sành sứ thuỷ tinh công nghiệp Hà Nội cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia có trữ lượng cao lanh đáng kể với đặc trưng phân bố thành các mỏ nhỏ khắp các địa phương từ Bắc vào Nam.

Tuy nhiên, chất lượng cao lanh của Việt Nam không cao do chứa nhiều sắt và titan, làm giảm độ trắng của cao lanh, hạn chế khả năng ứng dụng vật liệu trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành sản xuất sứ dân dụng cao cấp, hay sản xuất sơn.

Bên cạnh đó, công nghệ hiện tại của các DN Việt còn lạc hậu, chỉ dừng ở chế biến sơ bộ gây lãng phí lớn về tài nguyên. Để sản xuất sứ dân dụng cao cấp và đặc biệt meta cao lanh để sản xuất sơn phải nhập khẩu hoàn toàn với giá nhập khẩu lên tới 3-15 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, hiện tổng nhu cầu về cao lanh cho các ngành sản xuất ở Việt Nam khoảng 2 triệu tấn/năm. Nhu cầu cao lanh cho gốm sứ, sơn và các ngành khác khoảng 1 triệu tấn/năm; riêng nhu cầu cao lanh cho sản xuất sứ dân dụng cũng khoảng 350.000 tấn/năm.

Nhận thức được những vấn đề trên, Viện nghiên cứu sành sứ thuỷ tinh công nghiệp Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu và công bố Dự án sản xuất thử nghiệm cấp quốc gia về “Hoàn thiện công nghệ thiết bị chế biến sâu cao lanh Lâm Đồng làm nguyên liệu dùng trong công nghiệp sản xuất gốm sứ và sơn”.

Theo đó, quy trình công nghệ chế biến sâu cao lanh Lâm Đồng gồm 3 giai đoạn sau: Công nghệ tuyển tách cao lanh, công nghệ xử lý hóa học để nâng cao độ trắng cao lanh và công nghệ chế biến meta cao lanh dùng cho công nghiệp sơn.

Mục tiêu của dự án là hoàn thiện dây chuyền công nghệ chế biến sâu cao lanh: Tuyển tách, phân cấp cao lanh; xử lý nâng cao chất lượng cao lanh (tẩy trắng cao lanh) bằng các phương pháp hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường: tẩy trắng cao lanh bằng thiourea dioxide và clorua nhôm; tẩy trắng kaolin bằng thiourea dioxide trên xúc tác nitrate lantan; tẩy trắng kaolin bằng thiourea dioxide; chế biến cao lanh thành meta cao lanh phục vụ ngành sản xuất sơn.

Việc hoàn thiện công nghệ và chế biến sâu cao lanh giúp tăng tối đa hiệu suất thu hồi (≥90%), đồng thời phân tách, sử dụng hợp lý các sản phẩm cao lanh khai thác được từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị sử dụng tài nguyên.

Khi chế biến được cao lanh chất lượng cao sẽ giảm thiểu được sự ô nhiễm môi trường và giảm chi phí sản xuất cho nhiều nhóm mặt hàng công nghiệp do từ trước đến nay Việt Nam hoàn toàn nhập khẩu cao lanh cao cấp.

Dự kiến, sau khi hoàn thiện, công nghệ chế biến sâu cao lanh sẽ được chuyển giao cho doanh nghiệp để sản xuát trên quy mô công nghiệp với kỳ vọng giá thành sản phẩm sẽ giảm khoảng 20% so với sản phẩm cao lanh nhập khẩu cùng loại.

Phan Trang

Tin nổi bật